Hướng dẫn tra cứu thông tin bầu cử tại quận 12

Bạn ở quận 12 và muốn biết thông tin về việc bầu cử sắp tới? Trong bài viết này, mình sẽ tổng hợp một số thông tin cần thiết về bầu cử nói chung và dành cho người dân quận 12 nói riêng. Mời bạn xem nhé.

1. Những điều cần biết về bầu cử năm nay

1.1. Tên gọi đầy đủ là: Ngày Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

1.2. Ngày bầu cử: Ngày 23-5-2021 (Chủ nhật).

1.3. Ai quyết định chọn ngày bầu cử: Quốc hội. Trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 133/2020/QH14 ngày 17/11/2020 về Ngày bầu cử đại biểu ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 với tỷ lệ 465/466 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 96,47% tổng số ĐBQH.

1.4. Cử tri là gì? Cử tri là người có quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử các cơ quan đại biểu của nhân dân (Quốc hội và Hội đồng nhân dân).

1.5. Độ tuổi của cử tri: Tính đến ngày được công bố bầu cử tức ngày 23/05/2021 thì cử tri phải đủ 18 trở lên.

1.6. Nguyên tắc lập danh sách cử tri:
– Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật này.
– Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú.
– Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.
– Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến UBND cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri.
– Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

1.7. Địa điểm và thời gian bỏ phiếu bầu:
Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương, địa điểm bỏ phiếu là: nhà văn hóa, hội trường, trường học,… và căn cứ mật độ phân bổ dân cư ở khu vực bỏ phiếu. Việc bỏ phiếu bắt đầu từ 7h – 19h tối cùng ngày.

1.8. Cách gạch phiếu bầu khi đi bầu cử:
– Nếu cử tri không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng chữa họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu.
– Khi cử tri gạch phiếu bầu, không ai được xem, kể cả các thành viên Tổ bầu cử. Nếu cử tri gạch nhầm hoặc bị hư hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.
– Cử tri không thể tự gạch phiếu bầu thì nhờ người khác gạch phiếu hộ nhưng phải tự mình bỏ phiếu. Người gạch phiếu phải đọc đầy đủ họ và tên những người ứng cử trên phiếu bầu để cử tri tự mình quyết định.
– Người gạch hộ phiếu bầu phải ghi trung thực ý muốn của cử tri nhờ viết hộ và bảo đảm bí mật phiếu bầu. Khi viết hộ phiếu bầu xong phải giao lại phiếu bầu cho cử tri để cử tri tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu.
– Người khuyết tật không thể bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

1.9. Nguyên tắc bỏ phiếu:
– Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu HĐND tương ứng với mỗi cấp HĐND.
– Cử tri phải tự mình, đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp được quy định; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.
– Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
– Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành án khác bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ…
– Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.
– Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.
– Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.
– Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.

2. Tra cứu thông tin bầu cử tại quận 12

Ủy ban nhân dân quận 12 có xây dựng chuyên trang bầu cử tại địa chỉ: https://baucu.quan12.gov.vn/

Quận 12 chỉ bầu cử 2 cấp là bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đối với quận 12, Hội đồng nhân dân cấp quận và cấp phường không tiếp tục tổ chức trong nhiệm kỳ mới.

Cách tra cứu thông tin được trình bày theo như video dưới đây:

https://youtu.be/GYXjdJQqbgc

Nếu bạn không tìm thấy tên của mình trong danh sách cử tri của chuyên trang này, bạn hãy:

  • Gõ tên của 1 người khác trong cùng hộ khẩu, địa chỉ. Nếu tên của người này hiện ra thì bạn hãy click vào dòng Xem thông tin các cử tri ở cùng địa chỉ.
  • Nếu vẫn không tìm thầy tên mình hoặc tên của những người cùng hộ khẩu, địa chỉ, hãy liên hệ với tổ trưởng hoặc ra báo với công an phường để cập nhật.

Rất mong với thông tin ngắn gọn này có thể giúp bạn tra cứu thông tin về bầu cử tại quận 12 tốt hơn.

0989 333 069
Chat Zalo